Lạng Sơn cần bảo vệ, phát huy giá trị của Công viên địa chất Lạng Sơn gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội để đảm bảo tính bền vững. Trong đó cần khai thác những đặc trưng riêng của địa phương để xây dựng mô hình Công viên địa chất khác biệt.
Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021 và hiện phạm vi ranh giới đã bao phủ 8/11 huyện, thành phố; diện tích gần 4.900 km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh). Công viên địa chất Lạng Sơn có những giá trị đa dạng, khác biệt về địa chất và cảnh quan thiên nhiên, được tạo thành từ 5 dạng địa hình tiêu biểu là kiến tạo, xâm thực, bóc mòn, tích tụ và karst…
Tỉnh Lạng Sơn bước đầu đã xây dựng 4 tuyến với 38 điểm du lịch tại Công viên địa chất Lạng Sơn với các hành trình “Khám phá thế giới thượng ngàn”, “Hành trình về miền thiên giới”, “Cuộc sống dân dã nơi trần thế”, “Đường đến thủy cung”…
Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn gần đây, đoàn chuyên gia của UNESCO khuyến nghị Công viên địa chất Lạng Sơn cùng các Công viên địa chất ở khu vực phía Bắc của Việt Nam cần hỗ trợ, bổ sung cho nhau để cùng phát triển.
Bà Kristin Rangnes – thành viên đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cho biết: “Ấn tượng của tôi về chuyến công tác tại Công viên địa chất Lạng Sơn đó là về các di sản văn hóa có sự gắn kết đặc biệt với di sản thiên nhiên và các giá trị về di sản địa chất. Chúng tôi cũng rất ấn tượng với sự vào cuộc của chính quyền và người dân địa phương trong việc xây dựng, phát triển Công viên địa chất, khi người dân tham gia hết sức tích cực, chủ động. Khi gặp cộng đồng tại địa phương chúng tôi cảm nhận được sự hứng khởi, ủng hộ của tất cả mọi người dân nơi đây”.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh Lạng Sơn cần đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục cộng đồng về giá trị của di sản, từ đó nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong việc chung tay gìn giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị hiện có để đảm bảo tính bền vững, ổn định.
Các cơ quan chức năng cần có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách tại các điểm tham quan; đồng thời có “sổ tay” giới thiệu về những giá trị nổi bật của từng khu, điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn giúp du khách nắm được các thông tin liên quan đến di sản…
Ông Tuncer Demir – chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá: “Nội dung cần phải đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới đó là hoạt động truyền thông, quảng bá. Quảng bá cho du khách trong và ngoài nước để mọi người biết rõ hơn về các giá trị văn hóa địa chất, cảnh quan của Công viên địa chất Lạng Sơn. Việc quảng bá cũng giúp cho cộng đồng có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc sắc mà họ đang nắm giữ”.
Tiếp thu những khuyến nghị của đoàn chuyên gia, tỉnh Lạng Sơn cam kết tiếp tục đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho Công viên địa chất đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Lạng Sơn cũng sẽ khai thác, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, lâu đời để phát triển, xây dựng Công viên địa chất mang bản sắc riêng…
Việc đánh giá các giá trị di sản địa chất đối với Công viên địa chất do Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế thực hiện. Báo cáo của đoàn chuyên gia có ý nghĩa lớn để UNESCO xem xét, công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây.
Nguồn: Vov.vn