Với nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả, lượng khách du lịch đến Thanh Hoá ngày càng tăng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, các khu, điểm du lịch tỉnh Thanh Hoá đã đón gần 10 triệu lượt khách; tổng thu du lịch ước đạt gần 20.000 tỷ đồng.
Tại Thanh Hóa, bãi biển Sầm Sơn luôn đông vui, tấp nập và níu chân du khách. Chỉ tính riêng 5 ngày dịp lễ 30/4 – 1/5 năm 2024, Sầm Sơn đã đón hơn 900.000 lượt khách trong tổng số 1,52 triệu khách đến Thanh Hóa. Sầm Sơn đã trở thành thương hiệu du lịch không chỉ đối với Thanh Hoá, cả nước mà còn với nhiều du khách quốc tế.
Ông Lê Văn Tú – Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết có những thời điểm quá tải, nhưng địa phương không bất ngờ và bị động, Sầm Sơn vẫn chu đáo và thể hiện đầy trách nhiệm với du khách: “Rất nhiều phương án liên quan đến giá cả, chống chặt chém, chèo kéo. Toàn bộ đường Hồ Xuân Hương, bãi biển và các tuyến giao thông trọng yếu được kiểm soát bằng hệ thống camera, tích hợp về trung tâm điều hành. Nếu như ở đâu, ai đó, phường nào đó có dấu hiệu vi phạm, thay vì trực tiếp ra biển giờ chỉ ngồi ở màn hình là lưu lại và dùng bộ đàm nhắc nhở và xử lý ngay”.
Cùng với du lịch biển Sầm Sơn, thì Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) cũng đã và đang tạo thành điểm đến thu hút du khách. Bên cạnh du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị.
Nằm trong không gian du lịch của trung tâm du lịch miền Bắc, Thanh Hóa nhiều di tích lịch sử – văn hóa giá trị và đa dạng. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó một số di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đang được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác du lịch. Có những di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như cầu Hàm Rồng trên sông Mã, nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn, Thái Miếu nhà Hậu Lê… cùng Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, 5 di tích quốc gia đặc biệt là Lam Kinh, hang Con Moong, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn. Đặc biệt, Thanh Hóa còn bảo tồn nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như: Hò sông Mã, hát xẩm xoan, múa đèn, trò diễn Xuân Phả, múa sạp, múa xòe…
Ông Phan Tiến Hải – Phó Chủ tịch thường trực Hội Du lịch Lữ hành thành phố Thanh Hóa cho biết: “Hiệp hội lữ hành thành phố Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các cuộc gặp mặt với các hiệp hội lữ hành trên toàn quốc để trao đổi, ký kết chương trình phối hợp song phương và đa phương. Cùng với đó, đón các đoàn khách trải nghiệm dịch vụ để quảng bá, tuyên truyền trên mạng xã hội; giới thiệu điểm đến, mời khách du lịch, doanh nghiệp tới trải nghiệm”.
Xác định liên kết du lịch vùng Bắc Trung Bộ, vùng Tây Bắc, vùng Đông Nam Bộ… là rất cần thiết, Thanh Hoá đã đánh giá tiềm năng, thế mạnh du lịch từng vùng, tổ chức nhiều hội thảo, kết nối, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước; trong khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch; trong định hướng và tầm nhìn phát triển ngành du lịch; và cả trong xây dựng chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực… tại tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá khẳng định: “Thanh Hoá quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp đến. Thanh Hoá cũng đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối các điểm du lịch. Hiện nay Thanh Hoá đang có nhiều dự án lớn về du lịch, xem Thanh Hoá là điểm đến của nhiều chủ đầu tư. Chúng tôi tiếp tục khẩn trương hỗ trợ nhà đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và đạt chất lượng để du khách đến với Thanh Hoá nhiều hơn”.
Với sự đầu tư cùng hướng đi bài bản, thiết thực, du lịch Thanh Hóa được dự báo sẽ “toả sáng” với các sản phẩm du lịch theo chuỗi liên vùng, đặc trưng, hấp dẫn và sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đặt ra là đón 13,8 triệu lượt khách trong năm nay và khoảng 16 triệu lượt khách trong năm 2025.
Nguồn: Vov.vn