Vì sao nhiều người vay nợ để đi du lịch?

Theo một nghiên cứu năm 2023, 25% người Mỹ tham gia khảo sát cho biết việc đi vay nợ để có một kỳ nghỉ tuyệt vời là điều xứng đáng. Tại Mỹ, du khách có thể lựa chọn thanh toán một chuyến bay đắt đỏ bằng thẻ tín dụng và trả sau, hoặc đăng ký các chương trình trả góp thông qua các bên thứ ba.

Theo một nghiên cứu năm 2023 từ trang web tài chính WalletHub, 25% người Mỹ tham gia khảo sát cho biết việc đi vay nợ để có một chuyến du lịch tuyệt vời là điều xứng đáng. Phần lớn những người đi vay nợ thực hiện điều này bằng cách thanh toán chi phí đi lại bằng thẻ tín dụng, với 20% số người được hỏi cho biết họ chấp nhận khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng và dành tiền đó cho một kỳ nghỉ.

Lisa Fraser, một phụ nữ 30 tuổi hiện đang thất nghiệp tại Mỹ đã đến Đài Bắc, Budapest và New York trong năm qua, và không có ý định chấm dứt các chuyến du lịch dù cô vẫn đang tìm việc làm. “Tôi không có ngân sách du lịch. Tôi sẽ có một ý tưởng sơ bộ, nhưng nếu bị vượt quá ngân sách thì tôi vẫn đi. Tôi sẽ không bao giờ ngăn cản bản thân có được những gì mình muốn khi đi du lịch” – Lisa Fraser nói với trang CNN.

vi sao nhieu nguoi vay no de di du lich hinh anh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Oleksandr P/Pexels

Tại Mỹ, du khách có thể lựa chọn thanh toán một chuyến bay đắt đỏ bằng thẻ tín dụng và trả sau đó, hoặc đăng ký các chương trình trả góp thông qua các bên thứ ba như Klarna, Uplift và Affirm. Các dịch vụ “mua ngay, trả sau” cũng được nhiều hãng hàng không chấp nhận, bao gồm American Airlines, Delta Airlines và United Airlines.

Về trào lưu này, giảng viên về chính sách công tại Đại học Nam California (Mỹ) – bà Elizabeth Currid-Halkett cho rằng xu hướng du lịch hiện nay chuyển từ “tùy chọn” sang “ưu tiên”, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính những năm 2000 và tăng đột biến sau đại dịch Covid-19. “Đó là ý tưởng rằng bạn bè rất quan trọng, cuộc sống có ý nghĩa, sống một cuộc sống tốt đẹp quan trọng như thế nào. Điều đó đã dẫn đến sự thay đổi trong cách mọi người chi tiêu”.

Bà Currid-Halkett cho rằng một số người có tư duy kiểu như “Tôi không thể mua nhà, tôi không chắc mình có đủ khả năng chi trả cho việc học đại học hay sau đại học không. Vì vậy tôi thà đến Tây Ban Nha và đi du lịch kiểu ba lô. Điều đó chẳng thấm vào đâu so với khoản nợ mà tôi phải gánh chịu cho những thứ khác”.

Alex King, người sáng lập trang web tài chính cá nhân Generation Money, mô tả trào lưu này bằng thuật ngữ “chi tiêu quá mức” (doomspending). Theo đó, những người theo trào lưu vay nợ để đi du lịch có thể suy nghĩ rằng nợ thẻ tín dụng không rủi ro và họ không quan tâm nhiều đến việc chịu khoản nợ.

Ngoài ra, phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi cách nhiều người nghĩ về du lịch. Những người du mục kỹ thuật số, người có sức ảnh hưởng và người sáng tạo nội dung về du lịch đã khiến một số bạn trẻ nghĩ rằng du lịch toàn thời gian là điều dễ dàng với tất cả mọi người. Tâm lý này có vẻ đúng với trường hợp của Lisa Fraser, cô cho biết cô ghét cảm giác bị bỏ rơi, nếu bạn bè đi nghỉ ở đâu đó mà không có mình. Cô cũng cố gắng đến thăm các cửa hàng, quán cà phê và những địa điểm khác mà cô thấy trên mạng Internet.

Nguồn: Vov.vn