Sau thời gian trùng tu, hôm nay (1/8), di tích Hải Vân Quan được tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đưa vào khai thác, phát huy giá trị di tích. Trong thời gian đầu, di tích Hải Vân Quan sẽ miễn phí tham quan đối với người dân, du khách cho đến khi thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp.
Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Hải Vân Quan xây dựng từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 7 (1826).
Di tích Hải Vân Quan từng là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần cho sự phát triển du lịch của 2 địa phương. Ở độ cao 490m so với mực nước biển, Hải Vân Quan là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, pháo đài thần công… Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phiá Nam. Chính vì vậy triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ.
Ông Nguyễn Quang Huy, du khách từ Hà Nội đến tham quan di tích Hải Vân Quan cho biết: “Từ khi Hải Vân Quan được trùng tu thì tôi tin chắc rằng với du khách đến Huế và Đà Nẵng, đây sẽ là một điểm đến rất thú vị. Rất nhiều đoàn khách đi qua Hải Vân Quan này đều dừng ở đây để chụp hình. Nhờ sự trùng tu, bảo tồn và phối hợp giữa Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng để ngày hôm nay, người dân có điểm tham quan di tích như thế này”.
Vào tháng 12/2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian thực hiện dự án 2 năm.
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, góp phần vào sự phát triển du lịch của 2 địa phương. “Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cũng như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xác định đây là di tích quốc gia chứ không phải của hai địa phương. Chúng tôi đã tiến hành tu bổ, phục hồi với tinh thần đoàn kết và thể hiện được vị trí, vai trò của Hải Vân Quan – một nơi án ngữ trước đây của ông cha ta để lại. Sau khi công trình hoàn thành, giữa hai địa phương có sự phối hợp để tiếp tục phát huy và khai thác, đặc biệt là trong vấn đề khai thác, phát huy, bảo tồn nguồn lực nhằm tiếp tục tu bổ và bảo tồn để công trình trường tồn với thời gian”.
Di tích Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia vào ngày 14/4/2017. Ông Phan Văn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết việc trùng tu Hải Vân Quan đảm bảo phục hồi, tu bổ lại các hạng mục công trình gốc của di tích. Các vật liệu ở đây chủ yếu là gạch, đá. Đơn vị đã tích cực tìm kiếm vật liệu và các yếu tố khác đều tuân thủ các quy định, nguyên tắc bảo quản, tu bổ di tích.
Giai đoạn đầu phục vụ du khách, di tích Hải Vân Quan vẫn còn thiếu hạ tầng như bãi đỗ xe, điểm bán vé, nơi làm việc của hướng dẫn viên và bảo vệ, điểm bán hàng lưu niệm. Trong thời gian đầu, di tích Hải Vân Quan sẽ miễn phí tham quan cho người dân, du khách cho đến khi thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp.
Nguồn: Vov.vn