Khi hoa tớ dày (Pằng Tớ Dày) bung nở cũng là lúc các bản làng vùng cao Tây Bắc chuẩn bị bước vào mùa xuân. Ở nhiều nơi, hoa tớ dày còn được người dân coi là loài hoa báo hiệu mùa xuân.
Loài hoa tớ dày gắn với mùa xuân ở vùng núi Tây Bắc, đặc biệt là trong tâm thức cộng đồng dân tộc Mông ở Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung, bởi khi hoa nở là một tín hiệu báo mùa Xuân đã về.
Hoa tớ dày có năm cánh hồng như hoa đào ta, nhưng khi nở thì kết chùm, nhụy hoa tớ dày dài và mang màu đỏ.
Hoa lúc bung nở sẽ đỏ rực một góc rừng, điểm tô sắc thắm cho núi rừng, làm bừng sáng không gian núi đồi, bản làng.
Tớ dày là loài cây thuộc loại thân gỗ, tán rộng, mọc ở trên những sườn đồi, triền núi. Hoa nở rộ vào thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng chừng vài tuần.
Khi hoa tớ dày đua nở, cũng là thời điểm trai gái người Mông trên những rẻo cao đầy nắng, gió và sương giăng gọi nhau đi trẩy hội, du xuân.
Loài hoa này cũng thường được thể hiện trên trang phục của thiếu nữ Mông, hòa vào tiếng khèn, đàn môi của những đôi trai gái đang tỏ tình bên núi.
Tại tỉnh Điện Biên, cây hoa tớ dày mọc nhiều ở các khu vực như: Tây Trang (huyện Điện Biên), các bản rẻo cao thuộc các xã Sa Dung, Na Son, Pú Nhi, Keo Lôm, Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) và các xã phía Bắc của cao nguyên đá Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa).
Hoa tớ dày không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, mà còn ẩn chứa nét đẹp dung dị, thuần khiết và thanh tao.
Từ khi kết nụ, chớm nở, hoa tớ dày đã mang đến một tín hiệu vui, thông điệp về một mùa xuân mới cho cộng đồng người Mông ở những vùng cao, miền sơn cước.
Người Mông ở Tây Bắc rất thích hoa Tớ Dày, bởi loài hoa này còn là biểu tượng của núi rừng Tây Bắc, ít nhiều mang tâm hồn, phong cách sống của cộng đồng dân tộc người Mông. “Pằng Tớ Dày” – tên của loài hoa này cũng do người Mông đặt.
Nguồn: Vov.vn