Trung Quốc hiện là thị trường gửi khách lớn thứ 2 của Việt Nam sau nửa đầu năm 2024 và chiếm hơn 20% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn này. Theo dự báo từ các doanh nghiệp, hãng hàng không của Việt Nam và Trung Quốc, trao đổi khách 2 chiều giữa 2 nước sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Sau 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đã đạt 1.891.096 lượt, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2023 (đã có 557.151 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023). Trung Quốc hiện là thị trường gửi khách lớn thứ 2 của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 và chiếm hơn 20% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn này.
Đáng chú ý trong tháng 5/2024, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam là 357.190 lượt, đạt mức 243,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính riêng trong tháng 5/2024 thì Trung Quốc là nguồn khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các tuyến du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng sôi động, khi sản phẩm liên tục được bổ sung với đa dạng điểm đến và mức giá phải chăng, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng về cả lựa chọn đường bay, đường bộ, tàu hỏa…
Vào tháng 6/2024, đường bay charter từ Hải Phòng (Việt Nam) đến Lệ Giang (Trung Quốc) đã được khởi động, tiếp đó là mở đường bay Hà Nội – Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc) và gần đây nhất là Hãng hàng không West Air khai thác đường bay mới Hà Nội – Trùng Khánh (Trung Quốc) với tần suất 3 chuyến/tuần. Đường bay này mở ra cơ hội để các công ty du lịch, hãng lữ hành của 2 nước phát triển các sản phẩm du lịch, như chương trình 6 ngày 5 đêm khám phá Trùng Khánh – Thành Đô – Lạc Sơn.
Theo dự báo từ các doanh nghiệp, hãng hàng không của Việt Nam và Trung Quốc, trao đổi khách 2 chiều giữa 2 nước sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Trung Quốc đã và đang tích cực phối hợp, tập trung khai thác thị trường gần trong khu vực, đặc biệt là các điểm đến có thể đi bằng đường bộ hoặc bay ngắn dưới 3 giờ.
Ông Hồ Xuân Phúc – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch, Thương mại và Đầu tư Hà Nội (Hanotours) nhận xét: “Với việc khôi phục các đường bay từ Trung Quốc đến các tỉnh, thành ở Việt Nam, tôi tin rằng trong năm 2024 và sang năm 2025 lượng khách Trung Quốc đến sẽ còn tăng nhanh chóng. Vì với người Trung Quốc thì Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng, gần gũi, có sự tương đồng về văn hóa, ẩm thực. Có thể nói Việt Nam vẫn là điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc”.
Theo lý giải của ông Yang Haijun – đại diện Hãng hàng không West Air (Trung Quốc), Việt Nam thu hút đông đảo khách nước ngoài, trong đó có khách Trung Quốc vì Việt Nam sở hữu nhiều cảnh quan, địa điểm du lịch nổi bật, nhất là các vùng biển ấm áp.
“Về mặt lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị lâu dài. Thêm vào đó, tại Trung Quốc nhiều nơi khí hậu lạnh giá, vì thế những khu vực ấm áp tại Việt Nam trở thành một trong những địa điểm lí tưởng cho khách du lịch Trung Quốc. Ngoài ra, ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến đầu tư tại Việt Nam. Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, du lịch, tìm hiểu thị trường… Tôi tin rằng đường bay Trùng Khánh – Hà Nội sẽ giúp du khách thuận tiện hơn để đến Việt Nam, tìm hiểu phong tục, văn hoá và con người Việt Nam”, ông Yang Haijun nói với phóng viên VOV.VN.
Ghi nhận sự phát triển du lịch 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây là một “sự bùng nổ”, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc: “Chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ khách du lịch gần đây, theo cả 2 chiều giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hiện nay các hãng hàng không Trung Quốc đã mở đường bay đến hầu hết các địa bàn trọng điểm du lịch tại Việt Nam rồi. Chỉ riêng đường bay Trùng Khánh – Hà Nội đã là cơ hội để Việt Nam khai thác nguồn khách rộng lớn ở phía Tây của Trung Quốc. Hi vọng rằng đường bay này sẽ đưa lượng lớn du khách từ Trung Quốc đến Hà Nội và đến các thành phố khác của Việt Nam”.
Cũng theo ông Phạm Tiến Dũng, năm nay sự phục hồi nguồn khách từ thị trường Trung Quốc sẽ là cơ hội để du lịch Việt Nam “cất cánh”. Tất cả các quốc gia, đặc biệt tại Đông Nam Á đều tìm mọi chính sách để thu hút khách Trung Quốc, vì vậy Việt Nam cũng không thể đứng ngoài việc thúc đẩy đón khách Trung Quốc. Tuy nhiên các điểm đến tại Việt Nam khi thu hút khách Trung Quốc cần hướng tới thị trường tốt hơn, bền vững hơn và có mức chi trả cao hơn.
Phố cổ Lệ Giang, điển hình của du lịch bền vững
VOV.VN – Được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới từ năm 1997, đến nay cảnh quan khu phố cổ Lệ Giang (Vân Nam, Trung Quốc) vẫn được gìn giữ một cách chân thực. Đây được coi là một trong những điển hình về phát triển du lịch hài hòa và bền vững tại một khu phố cổ nơi vẫn còn người dân sinh sống.
Nguồn: Vov.vn